Để thưởng thức món ăn này, du khách sẽ phải đi một quãng đường khá xa nên nhiều người đã bỏ qua nó. Thế nhưng chỉ cần nếm thử một lần thôi là bạn sẽ ước mình được ăn món đặc sản này sớm hơn.

Đến với cố đô Huế, hẳn nhiều người đã quen thuộc với rất nhiều đặc sản ngon như bún bò Huế, nem lụi, bún thịt nướng, các loại chè và bánh,… Và có một món đặc sản khiêm nhường hơn, không nổi tiếng bằng nhưng cũng làm nên tên tuổi cho cả một ngôi làng, chính là món bánh khoái cá kình làng Chuồn.

Bánh khoái cá kình là một món ăn truyền thống có nguồn gốc từ làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, TT Huế. Mà người Huế hay gọi là bánh khoái cá kình chợ làng Chuồn – là một chợ của làng An Truyền.

Bánh khoái cá kình là một món đặc sản vừa lạ mắt vừa lạ miệng. Nó cũng khiến người ta tò mò ngay từ tên gọi đến cách làm nhưng lại để lại nhiều dấu ấn trong lòng người ăn. Ở Huế, món bánh xèo được gọi là bánh khoái. Tên gọi này có lẽ xuất phát từ cách làm bánh.

Bánh khoái thường được người Huế làm bằng cách “đổ bánh” trong các chảo nhỏ trên bếp củi hay bên than, và khi dầu ăn rơi vào than sẽ sinh ra nhiều khói bay nghi ngút quanh bếp lửa nên mọi người gọi là bánh khói, nhưng nói theo giọng Huế thì thành bánh khoái.

Thời xưa, muốn ăn bánh khoái cá kình phải lặn lội về tận chợ làng Chuồn, cách trung tâm thành phố khoảng 9km, hiện nay thì các nhà hàng bán hải sản ở thành phố Huế đều có món này. Tuy nhiên, ngon nhất, độc đáo nhất vẫn là bánh khoái cá kình ở chợ làng Chuồn.

Bánh khoái cá kình bắt nguồn từ chính khu chợ này. Món ăn này đặc biệt ở chỗ, thông thường người bán bánh khoái cá kình ở chợ làng Chuồn không có sẵn món này, mà thực khách phải tự ra khu bán cá trong chợ để tự mua cá kình sau đó đưa họ chế biến. Họ chỉ tính tiền công làm bánh.

Đến đây bạn được ra chợ tự tay mua những con cá kình tươi ngon vừa được đánh bắt, sau đó đưa cho người bán bánh khoái chế biến. Cứ vào trong chợ, du khách sẽ thấy một vài quán của các o, các mệ đổ bánh xèo cho khách.

Cá kình để nguyên con được chiên vàng trên chảo trước. Khi cá dậy mùi thơm thì đổ bột bánh đã được khuấy đều và thêm một ít gia vị vào. Cá kình chín sẽ cho thịt màu vàng ươm, mềm. Bánh khoái cá kình được ăn cùng với nước mắm nhĩ, cho thêm ớt và nước mắm chua ngọt. Cá kình thì chấm với nước mắm nhĩ, bánh khoái lại chấm cùng với nước mắm chua ngọt.

Khi ăn, bánh khoái cá kình hương vị dai, ngọt bùi xen lẫn thịt cá béo ngậy và vị ngọt nguyên sơ của tinh bột gạo. Quyến rũ hơn khi có vị của hành lá phi mỡ, kèm rau sống tươi xanh.

Một lưu ý nữa là, theo dân gian, ăn cá kình thì không nên bỏ phần ruột, ruột cá kình chứa nhiều thành phần giúp an thần, ngủ ngon giấc, đặc biệt là cá kình vào mùa hè. Vì vậy để thưởng thức món ăn độc đáo này, bạn hãy tới đầm Chuồn trong khoảng tháng 3 đến tháng 8, mùa cá kình sinh nở.

Ngoài bánh khoái cá kình, bạn có thể mua các loại cá khác, tôm, mực… tùy theo sở thích rồi mang tới các tiệm bánh khoái nhờ đổ bánh hộ. Được tự tay lựa chọn những con cá kình, tôm, mực… tươi ngon nhất và tận mắt quan sát chúng được chế biến thành bánh khoái cũng là trải nghiệm thú vị, mới mẻ đối với nhiều du khách.

Theo: https://phunuvietnam.vn/dac-san-doc-dao-chi-co-o-hue-nhung-khong-nhieu-nguoi-biet

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây