Triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, đã tồn tại hơn 143 năm (1802 – 1945) với 13 đời vua nhà Nguyễn, thuộc 7 thế hệ. Triều Nguyễn là một triều đại đã đánh dấu nhiều bước thăng trầm của lịch sử Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp vào giữa thế kỷ thứ XIX. Mỗi vị vua đều để lại một nét dấu ấn riêng, một tính cách và một sách lược riêng.

13 đời vua nhà Nguyễn trị vì gồm: Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1841), Triệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883), Dục Đức (1883), Hiệp Hòa (1883), Kiến Phúc (1883-1884), Hàm Nghi (1884-1885), Đồng Khánh (1885-1889), Thành Thái (1889-1907), Duy Tân (1907-1916), Khải Định (1916-1925), Bảo Đại (1926-1945). sông Hương Huế giới thiệu 3 vị vua yêu nước nhất của vương triều nhà Nguyễn.

1. Vua Hàm Nghi (1884 -1885)

Vua Hàm Nghi tên thật là Ưng Lịch, được Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chọn lập ngôi vua sau khi vua Kiến Phúc mất, năm đó ông mới 14 tuổi.

Là vị vua thứ 8 của vương triều nhà Nguyễn, ông đã cùng triều đình rời đi sau khi kinh thành Huế thất thủ (23/5/1885 âm lịch), lúc bấy giờ chỉ sau 1 năm ông chính thức lên ngôi. Sự kiện này được xem bước ngoặt cho cuộc đời vua Hàm Nghi cũng như dân tộc ta bắt đầu vận mệnh mới.

Tôn Thất Thuyết lúc này căm phẫn giặc Pháp vô cùng nên đưa ra chiếu Cần Vương, vua Hàm Nghi sau khi đọc xong đã kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Dưới sự phát triển mạnh mẽ của phong trào và tinh thần yêu nước sâu sắc của vua Hàm Nghi cùng sự đấu tranh sôi nổi của các văn thân sĩ phu yêu nước đã gây nhiều khó khăn và bất lợi cho giặc Pháp.

Do đó, lãnh tụ của Pháp đã ra lệnh truy đuổi gắt gao người cầm đầu phong trào khởi nghĩa này chính là vua Hàm Nghi cùng với các thần tử trung thành kề cận ngài lúc bấy giờ là Lê Trực và Tôn Thất Đạm, tuy nhiên đều không có kết quả.

Tháng 1/1888, vua Hàm Nghi bị Pháp bắt bởi sự phản bội của Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc – 2 tên suất đội hầu cận bên vua Hàm Nghi. Lúc bị bắt, nhà vua chỉ thẳng mặt Trương Quang Ngọc và nói: “Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây”.

Triều đình Huế khi biết tin Hàm Nghi bị bắt, vua Đồng Khánh sai quan lại và bộ binh ra đón và đưa về Huế. Thực dân Pháp bấy giờ có âm mưu đầy vua Hàm Nghi sang Algérie ở Bắc Phi do e sợ dân tình bị kịch động khi thấy mặt vị vua kháng chiến, Pháp lấy cớ thông báo cho Viện cơ mật rằng vua Hàm Nghi lúc này tính tình khác thường, về kinh e có điều bất tiện, cần phải đưa đi tĩnh dưỡng nơi khác một thời gian, và báo với Hàm Nghi rằng thái hậu đang ốm nặng, nếu vua Hàm nghi muốn thăm hỏi sẽ cho rước về gặp mặt.

Tuy nhiên, vua Hàm Nghi thẳng thẳng thẳn khước từ: “Tôi thân đã tù, nước đã mất, còn dám nghĩ gì đến cha mẹ, anh em nữa” rồi lặng lẽ cáo từ về phòng riêng. Vào rạng sáng ngày 25/11/1888, Hoàng đế Hàm Nghi bị đưa xuống tàu đi vào Lăng Cô, nhà vua nhìn lên bờ trước giây phút rời xa quê hương, không kìm nén được cảm xúc vì nỗi niềm riêng và vận nước nên đã bật khóc.

Ngày 13/12/1888, từ Sài Gòn vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu “Biên Hòa” đi Bắc Phi. Trong suốt chuyến đi, dù bị say sóng liên miên nhưng nhà vua vẫn giữ một thái độ điềm tĩnh, không một lời than vãn. Chiều chủ nhật, ngày 13 tháng 1 năm 1889, vua Hàm Nghi đến thủ đô Alger của Algérie, lúc này ông chỉ vừa mới 18 tuổi.

Vua Hàm Nghi (1884 -1885)
Hoàng đế Hàm Nghi – vị vua yêu nước của vương triều nhà Nguyễn

Trong suốt 10 tháng đầu sống trên đất khách, vua Hàm Nghi nhất quyết không chịu học tiếng Pháp vì ông cho rằng đó là thứ tiếng của dân tộc xâm lược nước mình, mọi việc giao thiệp đều thông qua thông ngô Trần Bình Thanh. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc và nhận thấy người Pháp ở Algérie thân thiện, dễ gần (khác hoàn toàn với người Pháp ở Việt Nam), nên từ tháng 11/1889 ông bắt đầu học tiếng Pháp, vua Hàm Nghi nói và viết tiếng Pháp rất sành sõi chỉ vài năm sau đó.

Vua Hàm Nghi lúc bấy giờ vẫn dùng khăn lượt, tự may quần áo theo kiểu cổ ở Việt Nam, áo dài thiết kế theo nếp cũ, để tóc búi củ hành cho tới khi mất. Tuy sống ở nơi đất khách quê người nhưng ông vẫn giữ gìn mọi nét văn hóa của đất nước, điều này cho thấy rằng đất nước luôn chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim chân thành của con người yêu nước, thương dân.

Năm 1904, ông đính hôn với bà Marcelle Laloe – con gái của ông Laloe, chánh án tòa Thượng phẩm Alger lúc bấy giờ. Họ có với nhau ba người con và các con của ông đều là người có chí học tập, đạt được nhiều học vị cao.

Đặc biệt ấn tượng nhất là hoàng tử Minh Đức – một sĩ quan Pháp với lời từ chối kiên quyết: “Tôi không thể cầm súng bắn lại đồng bào tôi. Nếu Chính phủ Pháp muốn đưa tôi ra trước tòa án quân sự thì tôi chịu. Nhưng tôi không thể đi sang Việt Nam đánh giặc cho người Pháp và chống lại người Việt Nam” khi nhận được lệnh sang Đông Dương làm nhiệm vụ.

Mỗi lần có dịp nói về đất nước, vua Hàm Nghi tỏ rõ sự tự hào về đất nước mình: “Lịch sử nước Pháp rất hấp dẫn và thích thú, nhưng nước tôi cũng có những trang sử đẹp, vẻ vang, không kém…”.Đối với dân tộc, ông chính là một biểu tượng của tinh thần yêu nước, lòng kiên cường và ý chí vì dân.

Cho đến năm 1913, khi Hoàng Hoa Thám qua đời thì ảnh hưởng của vua Hàm Nghi mới hết tác động trực tiếp đến các phong trào yêu nước. Điều đó chứng tỏ rằng cho dù thân xác ông có bị lưu đày bao lâu đi nữa thì ý chí và tình yêu dành cho quê hương và nhân dân Việt Nam vẫn luôn sống mãi trong con người ông.

2. Vua Thành Thái (1889- 1907)

Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, vị vua thứ 10 của vương triều nhà Nguyễn, là đứa con thứ 7 của vua Dục Đức – vị vua kém may mắn nhất trong số các vua nhà Nguyễn. Sau khi vua Đồng Khánh mất, vua Thành Thái lên ngôi khi mới 10 tuổi, tình thế ép buộc phải đứng trước một vương triều đổ nát, một đất nước bị người Pháp bình định, ông khá thận trọng và già dặn trước tuổi.

Không giống như những vị vua truyền thống khác, vua Thành Thái là người cấp tiến, luôn học tập và tiếp thu nhiều kiến thức mới, ngoài việc học chữ Nho ông còn học thêm tiếng Pháp, khuyến khích con cái cùng các quần thần học thêm chữ Pháp, đọc sách Pháp, đặt mua thêm “báo Tây” để đọc. Ông còn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thêm các thiết bị kỹ thuật tân tiến của phương Tây như vũ khí, đạn dược, tàu thuyền,…

Vua Thành Thái thích cắt tóc ngắn, mặc âu phục để giao thiệp với người Pháp và giữ ý chống Pháp sau này. Ông còn thường xuyên vi hành bí ẩn để quan sát, tìm hiểu đời sống nhân dân, nhờ thấu hiểu được nỗi thống khổ của nhân dân trong ách nô lệ của chính quyền thực dân nên vua Thành Thái ngày càng bộc lộ tinh thần yêu nước, thương dân khiến người Pháp lo ngại tìm mọi cách ngăn cản.

Năm 1896, vua Thành Thái ban Dụ giao cho Viện cơ mật xem xét tình hình, lập trường Quốc học trong Kinh thành chuyên dạy chữ Pháp và chữ Hán để giúp cho việc học “chữ Tây” được chuyên sâu hơn, mở rộng hơn. Cũng trong năm này, do được sự ủng hộ của Khâm sứ đại thần Pháp vua Thành Thái quyết định cho xây dựng một cây câu sắt bắc ngang qua sông Hương tại Kinh thành Huế, nay là cầu Trường Tiền – một biểu tượng đặc trưng tại thành phố Huế.

Vua Thành Thái (1889- 1907)
Vua Thành Thái – vị vua thứ 10 của vương triều nhà Nguyễn

Năm 1907, vua Thành Thái bị chính quyền thực dân phát hiện có tư tưởng chống Pháp khi được cho là ngấm ngầm thành lập đội nữ binh trong cung, tự tìm hiểu và nghiên cứu các bản thiết kế vũ khí. Đủ cơ sở cho rằng vua Thành Thái không thân Pháp và sẽ ra mặt chống đối khi có thời cơ, người Pháp bắt ông phải thoái vị.

Ngày 12/09/1907, vua Thành Thái bị áp giải vào Sài Gòn và bị quản thúc tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Năm 1916, ông bị đày sang đảo Reunion (Châu Phi) –  một đảo lưu đày của người Pháp dành cho người Việt cùng với con trai Duy Tân.

Trong suốt những năm tháng lưu đày, Ngài phải sống cuộc đời cơ cực, vất vả, phải nhờ đến sự giúp đỡ từ vua Khải Định. Cho đến năm 1945, nhờ được sự vận động của một số tổ chức, ông được trở về Việt Nam và sống cùng gia đình tại Vũng Tàu. Ngày 20/3/1954, ông mất tại Sài Gòn, chấm dứt cuộc đời một vị vua yêu nước, một vị cựu hoàng nhiều uẩn ức, kết thúc một thời hoàng đế mất nước.

3. Vua Duy Tân (1907 – 1916)

Vua Duy Tân – là vị vua thứ 11 của vương triều nhà Nguyễn, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San. Gạt xong Thành Thái, thực dân Pháp định dùng  Hoàng tử Vĩnh San – con của Thành Thái mới 8 tuổi lên làm vua để dễ bề thao túng. Chúng không ngờ được rằng vị vua trẻ này tuy nhỏ tuổi nhưng nghĩa khí lớn, là người chững chạc, mang phong thái của một đức minh quân, có khí phách của một bậc đế vương, có tư tưởng chống Pháp với thái độ kiên quyết và tích cực hơn vua cha.

Năm 1912, Khâm sứ Georges Marie Joseph Mahé lấy cớ mở chiến dịch tìm vàng để bổ sung kinh phí cai trị cạn rỗng, cướp đi tượng vàng đúc từ thời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu trên tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, đào cả lăng Vua Tự Đức và đào xới cả trong Đại Nội để tìm vàng. Vua Duy Tân phản đối quyết liệt những hành động thô bạo đó, ra lệnh đóng cửa hoàng cung và không tiếp bất kì ai. 

Năm 13 tuổi, vua Duy Tân xem lại tất cả những hiệp ước mà hai nước Việt – Pháp đã ký kết. Tiêu biểu nhất là hiệp ước Patenôtre (1884) giữa nhà Nguyễn với Pháp, nhận thấy việc thi hành hiệp ước này không đúng với những điều kiện thỏa thuận hai bên, nhà vua tỏ ý muốn cử ông Nguyễn Hữu Bài, là người giỏi tiếng Pháp sang Pháp để yêu cầu duyệt lại hiệp ước Patenôtre. Song, ông Nguyễn Hữu Bài và cả triều đình lúc bấy giờ không ai dám nhận chuyến đi đó.

Khi mới 15 tuổi, mong muốn đích thân mình sẽ cầm biên bản quá trình với tòa Khâm Sứ nên vua Duy Tân đã triệu tập toàn bộ sáu đại thần trong Phụ chính và bắt buộc các vị đại thần phải ký vào biên bản. Tuy nhiên, các đại thần sợ người Pháp giận sẽ kiếm chuyện nên đã từ chối không ký và nhờ Thái hậu để can gián nhà vua. Từ đó nhà vua không những có ác cảm với thực dân Pháp mà còn ác cảm với Triều đình.

Tháng 4/1916, vua quyết định tham gia cuộc khởi nghĩa dự định tổ chức vào 1 giờ sáng ngày 3/5/1916, sau khi đọc thư và gặp trực tiếp 2 vị lãnh tụ Trần Cao văn và Thái Phiên. Nhưng không may Võ An, thành viên của Việt Nam Quang Phục Hội ở Quảng Ngãi, làm thiên cơ bị lộ ra ngoài.

Chiều ngày 2-5, công sứ Pháp ở Quảng Ngãi là De Taste mật điện báo với Khâm sứ Trung Kỳ. Nghe tin, Khâm sứ Charles ra lệnh thu súng ở các trại lính người Việt cất vào kho và cắm trại không cho mọi người ra ngoài.

Đêm 2-5, Trần Cao Vân và Thái Phiên đưa thuyền đến bến Thương Bạc đón vua Duy Tân. Nhà vua cải trang thường dân đi cùng 2 người hộ vệ là Tôn Thái Đề và Nguyễn Quang Siêu. Họ tới làng Hà Trung, lên nhà một hội viên Việt Nam Quang Phục Hội để chờ giờ phát lệnh bằng súng thần công ở Huế. Nhưng chờ đến 3 giờ sáng vẫn không nghe hiệu lệnh, biết đã thất bại, Trần Cao Vân và Thái Phiên định đưa vua Duy Tân tới vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi nhưng sáng 6-5-1916, họ bị bắt.

. Vua Duy Tân (1907 – 1916)
Vua Duy Tân với lòng yêu nước, thương dân

Khâm sứ Charles và Toàn quyền thuyết phục vua Duy Tân trở lại ngai vàng nhưng ông không đồng ý, phát biểu khẳng khái: 

“Các ngài muốn bắt buộc tôi phải làm vua nước Nam, thì hãy coi tôi như là một ông vua đã trưởng thành và có quyền tự do hành động, nhất là quyền tự do trao đổi tin tức và ý kiến với chính phủ Pháp.”

Pháp bắt Triều đình Huế phải xử, Thượng thư Bộ học Hồ Đắc Trung được ủy nhiệm thảo bản án. Trần Cao Vân khi đó bị giam trong ngục, nhờ được người đưa tin cho Hồ Đắc Trung xin được lãnh hết tội và xin tha tội cho vua. Hồ Đắc Trung làm án đổ hết tội cho Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu. 4 người bị xử chém ở An Hòa. Vua Duy Tân bị đày đi đảo La Réunion ở Ấn Độ Dương cùng với vua cha Thành Thái vào năm 1916.

 Một lòng vì nước vì dân, là vị vua thương dân như con. Nhìn vào tình hình đất nước lúc bấy giờ cụ hoàng Duy Tân phải bộc bạch:

“Điều tôi mong muốn là tất cả con dân Việt Nam ý thức được rằng họ là một quốc gia và ý thức ấy sẽ thúc đẩy họ dựng lên một nước Việt Nam xứng đáng. Tôi cho rằng tôi chỉ làm tròn bổn phận của một công dân Việt Nam khi nào tôi làm cho những người dân Lạng Sơn, Huế, Cà Mau ý thức được tình huynh đệ của họ, đất nước Việt Nam là một. Nghĩa hợp quần ấy được thực hiện dưới bất cứ chế độ nào: cộng sản, xã hội chủ nghĩa, bảo hoàng hay quân chủ, điều đó không quan trọng, điều quan trọng là phải cứu dân tộc Việt Nam khỏi cái họa phân chia.”

Ngày 20/11/1916, gia đình vua Thành Thái và Duy Tân bị đày đến đảo La Réunion. Dù đang ở đất khách quê người. Nhưng với lòng tự trọng dân tộc, không muốn sống dựa vào Pháp, ông từ chối căn biệt thự sang trọng người Pháp dành cho. Gia đình vua Duy Tân sống trong căn nhà thuê ở thành phố Saint -Denis, ăn mặc và sinh hoạt giản dị, bình thường như bao người dân khác ở đảo.

Khi bị lưu đày vì nghịch tính với gia đình nên cụ hoàng dọn ra ở riêng, cắt đứt với gia đình và đi học. Vua Duy Tân học vô tuyến điện và mở tiệm Radio-Laboratoire bán hàng, sửa chữa máy. Bên cạnh đó, ông thi tú tài ở Trường Trung học Leconte de Lisle và học thêm ngoại ngữ, luật học. Trong suốt quá trình học tập và làm việc ông được trao tặng nhiều giải thưởng lớn, ông còn là hội viên của Hội địa phương bảo vệ Nhân quyền và quyền Công dân.

Trong nhiều bức thư khác gửi cho Chính phủ Pháp từ 1936 cho đến 1940, mong muốn phục vụ trong quân đội Pháp, ông không hề đả động đến vụ mưu loạn tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ vua Duy Tân là một người rất khó mua chuộc, rất độc lập, có chí lớn với mưu đồ rời khỏi đảo La Réunion để tái lập ngôi báu ở An Nam.

Ông sóng và cống hiến hết mình cho Đất Nước cho đến ngày 26 /12/194, máy bay rớt gần làng Bassako, thuộc phân khu M’Baiki, Cộng hòa Trung Phi. Tất cả phi hành đoàn đều thiệt mạng trong đó có cựu hoàng Vĩnh San. Sự hi sinh của ông là một mất mát lớn cho nước nhà, một nhân vật đầy kiên cường, hết mình vì nước vì dân, mặc dù bị lưu đày ròng rã 30 năm trời nhưng hình ảnh của ông không hề phai mờ trong trái của mỗi con dân Việt Nam.

Trên đây là những thông tin hữu ích về 3 vị vua yêu nước nhất của vương triều nhà Nguyễn. Những biến cố, thăng trầm quả thật có vai to lớn trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, làm vực dậy lòng yêu nước tồn tại trong mỗi người Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây