13 cửa thành ngày nay nơi còn nguyên hiện trạng, nơi bị chiến tranh phá hủy, nơi lại bỏ hoang.
Hiện nay Kinh thành Huế tổng cộng có 13 cửa thành, gồm 10 cửa đường bộ, 1 cửa phụ và 2 cửa đường thủy. Các cửa thành ban đầu đều được xây dựng từ thời vua Gia Long (phần mái vòm), đến thời vua Minh Mạng hoàn thiện vọng lâu phía trên. Qua thời gian, chiến tranh, có cửa vẫn nguyên hiện trạng, cửa bị sụp đổ đã phục dựng lại, cũng nhiều cửa bị lãng quên, bỏ hoang…
Ngoài chức năng chính là lớp bảo vệ ngoài cùng của Tử Cấm Thành, Hoàng Thành – nơi sống và làm việc của vua và triều đình – những chiếc cửa thành còn là cửa ngõ đi lại, thông thương của dân cư sinh sống bên trong khu Thành Nội, là nhân chứng sống của lịch sử, đời sống Kinh thành Huế suốt hơn 200 năm qua.
Cửa Ngăn (hình) còn gọi là Thể Nhân Môn, vốn là một trong hai cửa dành cho vua và hoàng gia ra vào Kinh thành. Mỗi lần như vậy triều đình lại cho quân lính ra chặn đường trước mặt kinh thành, ngăn không cho ai qua lại, nên có tên gọi cửa Ngăn. Nhân dân hay gọi đây là cửa Ngăn Dưới. Cửa Ngăn hiện nay nằm bên trái Kỳ Đài, trên con đường một chiều cùng tên cắt đường Lê Duẩn và đường 23/8.
Nằm bên phải Kỳ Đài là cửa Sập, hay còn gọi là cửa Quảng Đức, cũng nằm trên con đường lưu thông một chiều cắt đường Lê Duẩn vào đường 23/8. Cửa thành này từng bị sụp đổ cả vọng lâu lẫn vòm cửa năm 1953 do lũ lụt, nên dân gian gọi cửa này là “Cửa Sập”. Cùng với cửa Ngăn thì cửa Sập là một trong hai cửa dành cho vua, hoàng gia ra vào.
Trước khi có cái tên “Cửa Sập” nhân dân gọi đây là cửa Ngăn Trên để phân biệt cửa Ngăn Dưới. Cửu vị thần công (9 khẩu thần công) nổi tiếng của triều Nguyễn hiện đang để ở hai cửa thành này.
Nằm ở phía nam đường Nguyễn Trãi là cửa Nhà Đồ, có tên gọi chính thức là cửa Chánh Nam. Thời vua Gia Long, tại đây có một kho chứa vật dụng cho nhà vua, binh khí cho quân sĩ, dịch sang tiếng Việt là “Nhà Đồ” nên người dân còn gọi Cửa Chánh Nam là cửa Nhà Đồ luôn.
Cửa Hữu – cửa Tây Nam gắn liền với một câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử, tại đây vua Hàm Nghi đã xuất thành ban chiếu “Cần Vương” chống thực dân Pháp. Cửa Hữu hiện nay nằm ở đầu đường Yết Kiêu, phía Tây Nam Kinh thành nên gọi là cửa Tây Nam, dân thấy nằm ở phía “hữu” nên gọi luôn thành tên cửa Hữu như hiện nay.
Cửa Chánh Tây không có tên gọi phụ dân gian, nằm ở phía Tây Kinh thành, trên đường Thái Phiên ngày nay. Nơi này từng là nơi giao tranh ác liệt trong chiến sự Mùa Xuân 1968. Phần vọng lâu phía trên thành đã hoàn toàn bị phá hủy, nay được tu sửa phục dựng lại.
Cửa An Hòa ngày nay nằm hướng Tây Bắc nối đường Nguyễn Trãi ra đường Tăng Bạt Hổ phía bên ngoài Kinh thành. Cùng trục đường Nguyễn Trãi này phía Nam là cửa Nhà Đồ đã nói ở trên, hướng ngược lại là Cửa An Hòa. Tên gọi cửa An Hòa do mặt ngoài cửa thành này là làng và chợ cùng tên.
Cửa Hậu hay Chánh Bắc Môn nằm án ngữ mặt sau Kinh thành. Cửa Hậu nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, đi ra ngoài sẽ là đường Tăng Bạt Hổ, tiếp nữa sẽ là cầu Bạch Yến bắc qua sông Cửa Hậu. Cửa Chánh Bắc còn có tên gọi nữa là cửa Mang Cá lớn.
Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm được Kinh thành, cửa Mang Cá lớn đã bị đóng kín lập nên Đồn Mang Cá. Do hậu quả chiến tranh cửa này hơn 100 năm không được khai thông, mãi đến năm 2004 tỉnh Thừa Thiên Huế mới cho mở lại.
Cửa Kẻ Trài – cửa Đông Bắc hiện nằm trên đường Cửa Trài, ở góc Đông Bắc kinh thành cũ. Ngày xưa, Kẻ Trài là tên xóm nằm phía trước cửa thành, tập trung buôn bán hình thành hai dãy nhà, lều quán lúp xúp. Dân Huế gọi là những dãy “nhà trài” hai bên bờ sông, lâu dần thành tên cửa thành.
Cửa Trài dẫn vào khu quân đội quản lý hiện nay, nên ít người dân hay du khách được vào hay tiếp cận nếu không có việc.
Cửa Đông Ba hay cửa Chánh Đông, là cửa thành liên quan đến chợ Đông Ba nổi tiếng hiện nay, dù chợ không còn ở vị trí này nữa. Cửa Đông Ba còn được biết đến là Chánh Đông Môn, tức cửa phía Đông Kinh thành, nằm trên đường Mai Thúc Loan, một mặt nằm trên trục đường Xuân 68.
Chợ xưa ban đầu tên là Đông Hoa, từ thời vua Gia Long. Kinh thành thất thủ, chợ bị thực dân Pháp đốt sạch. Sau vua Đồng Khánh cho xây dựng lại và đổi thành Đông Ba, tránh tên húy bà Hồ Thị Hoa là mẹ vua Thiệu Trị. Đến thời Thành Thái, chợ Đông Ba được quy hoạch lại dời đến vị trí ngày nay.
Cửa Thượng Tứ – Đông Nam Môn ngày nay nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, hiện là đường một chiều lưu thông từ trong Kinh thành ra đường Trần Hưng Đạo. Tên gọi Thượng Tứ là do ngày xưa ở đây có một viện Thượng Tứ được dựng lên cai quản, chăm nom ngựa để kéo xe cho nhà vua, nay hai bên cửa là bãi cỏ lớn trẻ em thường tụ tập chơi đùa.
Trấn Bình Môn không phải là cửa đi ra ngoài Kinh thành như các cửa còn lại mà là cửa phụ, thuộc vòng tường thành Kinh thành, dẫn ra Trấn Bình đài – pháo đài bố trí hệ thống phòng thủ Kinh thành Huế xưa. Trước mặt cửa là một cây cầu bằng đá bắc qua một hào nước để vào địa phận Trấn Bình Đài. Phía sau cửa là khu quân đội, hay còn gọi là khu Mang Cá lớn.
Tây Thành Thủy Quan là một trong hai cửa đường thủy của Huế, 2 cửa này nằm ở 2 đầu Đông – Tây của sông Ngự Hà bên trong Kinh thành. Tây Thành Thủy Quan hiện nay nằm trên đường Tôn Thất Thiệp. Còn được gọi là Cống Thủy Quan, Tây Thành Thủy Quan là cửa đường thủy thông sông đào Kẻ Vạn bên ngoài với sông Ngự Hà trong Kinh thành.
Cùng với Tây Thành Thủy Quan, Đông Thành Thủy Quan là 2 cửa đường thủy của Huế, án ngữ Đông – Tây của sông Ngự Hà trong Kinh thành. Đông Thành Thủy Quan còn được gọi là cống Lương Y, hiện chính là cây cầu Lương Y, nằm trên đường Xuân 68.
Năm 2020 sau khi một vài hộ dân được giải tỏa hai bên Đông Thành Thủy Quan, đã phát lộ ra hai cổng thành phụ nằm ở hai bên trái – phải cầu Lương Y. Cả hai cổng đều bằng gạch vồ, với cổng bên trái hiện đã bị bịt kín. Cổng bên phải cách cổng trái khoảng 80 m, đi qua cầu Lương Y, rộng 80 cm, cao 100 cm, vừa một người chui qua.
Bên dưới là những khối đá xanh còn khá nguyên vẹn. Theo phỏng đoán thì đây là 2 cửa đặt đại bác phòng thủ năm xưa của Đông Thành Thủy Quan.
Nguồn: https://vnexpress.net/dau-tich-13-cua-kinh-thanh-hue-xua