Một số trải nghiệm “không buồn” dành cho du khách đến Huế là xem bắn súng thần công, khám phá ẩm thực đêm, nghe nhạc ở phố Tây…

Sau khi tham quan các danh thắng vào ban ngày, vào buổi tối, du khách có thể trải nghiệm thêm một số hoạt động dưới đây để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của cố đô.

Xem bắn súng thần công ở Kỳ Đài

Kỳ Đài, hay còn được gọi là Cột Cờ Kinh thành Huế được xây vào năm 1807 dưới thời vua Gia Long. Trước đây, trên mặt đài có hai điếm canh và pháo xưởng để bố trí các khẩu súng. Ngày nay, du khách tham quan có thể đến đây vào 20h30 tối chủ nhật hàng tuần để xem biểu diễn tái hiện bắn súng thần công. Thông thường súng bắn 4 nhịp, và 21 nhịp vào đêm giao thừa hoặc sự kiện như đón nguyên thủ quốc gia.

Hiện có 4 khẩu súng hoạt động theo nguyên lý sử dụng dầu và điện. Ảnh: Ngân Dương

Khám phá đặc sản Huế

Ẩm thực Huế có các món ăn đa dạng từ ngày đến đêm. Sau bữa tối, du khách có thể ghé quán chè vỉa hè ngồi hóng mát và thưởng thức món chè bột lọc heo quay trứ danh. Một số địa chỉ gợi ý là chè Mợ Tôn Đích, chè Hẻm, chè Ngọc Hiền… Nếu muốn thưởng thức bún bò Huế về đêm, du khách có thể lựa chọn các quán trên đường Hà Nội.

Ngoài ra, một trong những nơi bán đồ ăn đêm được khách yêu thích là quán bánh mì bên cạnh bưu điện thành phố. Món ăn này còn được biết đến với tên gọi “mì Trường Tiền” bởi quán từng bán dưới chân cây cầu nổi tiếng, mở đến khoảng 2 – 3 giờ sáng.

Nhân bánh mì gồm thịt xíu, bánh lọc, thịt nguội, trứng… Ảnh: Ngân Dương

Đi xích lô ngắm phố phường

Một phương tiện khám phá Huế thú vị mà du khách nên thử là xích lô. Những người đạp xích lô sẽ trở thành một hướng dẫn viên du lịch, đưa du khách tới các địa điểm nổi tiếng trong thành phố như cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba… Đến mỗi địa điểm, xích lô sẽ dừng lại để khách tự do tham quan.

Du khách có thể trò chuyện cùng người đạp xích lô để hiểu thêm về văn hóa và con người xứ Huế. Tour thường kéo dài một giờ, giá từ 50.000 – 120.000 đồng tùy vào địa điểm và thời gian di chuyển.

Dạo phố đi bộ dọc sông Hương

Vào buổi tối, cầu Trường Tiền được chiếu sáng bởi hệ thống đèn LED nhiều màu sắc, in bóng xuống sông Hương. Tọa lạc ngay bên dưới chân cầu là phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu đi bộ trên nền gỗ lim, nơi có không gian nhộn nhịp của nhiều hàng quán, các hoạt động nghệ thuật như nhảy flashmob, nhạc sống…

Bên cạnh đó, một tuyến phố đi bộ nữa chạy dọc từ chân cầu Phú Xuân đến chân cầu Dã Viên cũng đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Nghe nhạc sống ở phố Tây

Một trải nghiệm “không buồn” về đêm nữa ở Huế đó chính là khám phá phố Tây trên tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An và Võ Thị Sáu. Nơi này là địa chỉ quen thuộc của các bạn trẻ và du khách nước ngoài như phố Tạ Hiện (Hà Nội) và Bùi Viện (TP.HCM). Con phố nhộn nhịp nhất từ 21h – 23h, với không gian sôi động, tấp nập của các quán bar, pub, nhà hàng, cà phê nhạc sống, shop quần áo…

Vào cuối tuần, nơi đây trở thành tuyến phố đi bộ từ 18h – 2h sáng hôm sau (thứ sáu và thứ bảy), riêng chủ nhật là từ 18h – 24h. Một số quán gợi ý là Tà Vẹt, 912, Taboo, Gecko…

Phố Tây là một trong những điểm hóng mát, check-in đẹp được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: Ngân Dương

Nghe ca Huế trên sông Hương

Nếu muốn ngắm thành phố lung linh ánh đèn từ dòng Hương, du khách có thể lên thuyền rồng và thưởng thức “đặc sản” ca Huế. Ca Huế là sự giao thoa, tiếp thu văn hóa giữa nhã nhạc cung đình và ca hát dân gian. Một dàn ca Huế chuẩn thường chỉ có một người ca cùng bộ đàn 5 cây.

Dàn đàn đệm càng nhiều màu sắc càng tôn cho giọng ca. Đàn bầu, tranh, nguyệt, nhị, tì, mỗi đàn một màu sắc khác nhau. Giá vé chương trình nghe ca Huế trong khoảng 1 tiếng trên sông Hương dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/người. Nguồn: https://vnexpress.net/5-trai-nghiem-ve-dem-o-hue

Xem thêm: Xứ Huế thức giấc buổi bình minh

10 món ăn ngon phải thử ít nhất một lần khi đến Huế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây