Gần 500 năm trước, khi biết dã tâm của người anh rể là Trịnh Kiểm sẽ sát hại cả gia đình mình, Chúa Nguyễn Hoàng đã đi cầu cứu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Trình nhìn đàn kiến leo trên hòn non bộ rồi nói: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
Hiểu ý Trạng, Chúa Nguyễn Hoàng đã xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa rồi xây dựng bản doanh luôn trong đó, nhờ đó mà bảo toàn được tính mạng, nhưng “Vạn đại dung thân” khác xa với “Vạn đại bá vương”.
Huế có sông sâu, có núi hiểm, có Chùa Thiên Mụ và núi Ngự Bình che chắn, phù hợp cho một cuộc trốn chạy, phòng thủ. Huế từ thời các chúa Nguyễn đã từng được chọn làm thủ phủ xứ Đàng Trong: Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần dựng phủ ở Kim Long năm 1635 – 1687; Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Khoát dời phủ về Phú Xuân trong những năm 1687 – 1712; 1739 – 1774.
Huế còn là kinh đô triều vua Quang Trung Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn, rồi một lần nữa chính thức trở thành kinh đô của cả nước Việt Nam. Nhìn từ biển Đông vào Huế có dạng như một con ốc ngọc đang trườn vào Nam. Thuật ngữ phong thủy gọi đại địa đó là “Hải loa Thổ châu” (Con ốc nhả ngọc). Viên ngọc ấy chính là Thành phố Đà Nẵng ngày nay.
Huế có sông lớn là sông Hương như minh đường tích thủy. Sông Hương uốn mình chảy về hướng Tây Bắc, đến Nguyệt Biểu lại uốn mình chảy về hướng Đông Bắc, ngang qua trước mặt kinh thành Huế, rồi nhằm hướng Bắc đổ vào cửa Thuận An. Lưu vực sông rộng đến 300 km2.
Phía nam kinh thành là đồi núi chập chùng. Hai bên tả, hữu ngạn cuả sông là những cánh đồng màu mỡ. Kinh thành Huế thuộc dạng tọa Hợi hướng tỵ – một hướng cát trạch với vương triều nhà Nguyễn.
Kinh thành Huế xây dựng từ năm 1803 (thời Gia Long) và hoàn thành vào năm 1832 (thời Minh Mạng) trên diện tích 5,21 km2, bên bờ bắc sông Hương. Với bề dày lịch sử gắn liền với chín đời cha ông nhà Nguyễn ở đây, không có gì khó hiểu khi vua Gia Long chọn mảnh đất nằm ở trung độ đất nước để làm kinh đô cho triều đại mình.
Kinh thành Huế được xây dựng theo kiến trúc của phương Tây kết hợp một cách tài tình với kiến trúc thành quách phương Đông. Kinh thành gồm ba vòng thành: phòng thành, hoàng thành và tử cấm thành. Bên trong các lớp thành cao, hào sâu là một tổng thể với hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ. Tất cả các công trình này được xây dựng xung quanh một trục chính, theo hướng nam bắc.
Khởi đầu là Kỳ Đài (cột cờ), tiếp đến là Ngọ Môn, sân Đại Triều nghi, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, điện Không Thái, điện Kiến Trung và kết thúc ở cửa Hòa Bình. Các công trình kiến trúc còn lại được xây đăng đối ở hai bên đường trục như tả hữu hộ vệ bảo vệ kinh thành.
Phòng thành là vòng ngoài cùng có chu vi 9950m, thành có 10 cửa đường bộ và hai cửa đường thủy, thành dày 21m và có 24 pháo đài. Hoàng thành là vòng thành thứ hai có tên là đại nội, chu vi 2450m. Hoàng thành có 4 cửa: Ngọ Môn (Nam), Hòa Bình (Bắc), Hiển Nhơn (Đông), Chương Đức (Tây).
Ngọ Môn là cửa chính của Hoàng Thành, cửa này xưa chỉ dùng cho vua đi. Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng có chu vi 1225m, có 7 cửa. Đây là nơi ở, làm việc của vua và gia đình. Như vậy nơi đây được tách biệt với thế giới bên ngoài.
Căn cứ vào các công trình kiến trúc hiện có ở cả ba vòng thành, có thể sắp xếp quần thể kiến trúc kinh thành Huế thành năm loại kiến trúc:
– Nơi cử hành lễ, thiết triều gồm có Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh, Tả Vu, Hữu Vu. – Nơi thờ tự: Thái Miếu, Thế Miếu, triệu Miếu, Hưng Miếu, Điện Phụng Thiên, Am Phước Thọ
– Nơi ở của vua và Hoàng tộc: Điện Càn Thanh, cung Không Khải, điện Kiến Trung, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, điện Trính Minh, điện Quang Minh, …
– Nơi vui chơi giải trí: Duyệt Thị Đường, Trường An Tạ, Thái Bình Lâu, Ngự Điếu Đình, Lầu Tứ Phương vô sự…
– Các công sở và công quán: Điện Văn Ninh, điện Võ Hiển, Đông Các phủ nội vụ, Thị vệ trực phòng, Thái y viện, Thượng viện đường, Ngự mã trại, Kỳ đài…Khởi công xây dựng năm 1805, Kinh Thành Huế được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520 ha, có 10 cửa chính.
Hai cửa bằng đường thủy thông Kinh Thành với bên ngoài qua hệ thống Ngự Hà là Đông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan.Thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, mãi đến cuối đời Gia Long mới bắt đầu xây gạch.
Kinh Thành Huế là sự kết hợp độc đáo giữa những nguyên tắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, tư tưởng triết lý phương Đông với thuyết âm dương ngũ hành của Dịch học Trung Hoa cùng những đặc điểm mang ảnh hưởng kiến trúc quân sự phương Tây kiểu Vauban (tên một kiến trúc sư người Pháp cuối thế kỷ XVII).
Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh Thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành… kéo dài từ thời điểm tiến hành khảo sát năm 1803 (triều vua Gia Long) đến khi hoàn chỉnh vào năm 1832 (triều vua Minh Mạng).
Với mục đích phòng thủ là chính, mặt bằng của thành có dạng hình vuông hơi nhô ở phía trước theo địa hình dải đất dọc bờ sông Hương. Mỗi mặt có các cổng thành, trên có vọng lâu dùng để quan sát. Các mặt thành lại được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn…
Thêm vào đó, hệ thống hào bao bọc ngay bên ngoài được đào gần 10 km chiều dài. Riêng hệ thống sông đào (Hộ Thành Hà) vừa mang chức năng bảo vệ vừa có chức năng giao thông đường thủy có chiều dài hơn 7 km (đoạn ở phía Tây là sông Kẻ Vạn, đoạn phía Bắc là sông An Hòa, đoạn phía Đông là sông Đông Ba, riêng đoạn phía Nam dựa vào sông Hương).
Dưới con mắt của các nhà địa lý phong thủy, Kinh Thành Huế nằm trên vùng “Vương đảo”, trong phạm vi được tạo ra bởi dòng chảy của sông Hương phía trước mặt và hai chi lưu gồm sông Bạch Yến, Kim Long chảy vòng mặt sau cùng hợp lại ở hạ lưu. Sông Hương đóng vai trò minh đường, cùng hai hòn đảo nhỏ Cồn Hến và cồn Dã Viên có vị thế Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải) chầu về trước Kinh Thành.
Bên kia sông, không xa lắm là ngọn Bằng Sơn được đổi tên thành Ngự Bình, che chắn mặt trước Kinh Thành như một bức bình phong thiên nhiên, giữ chức năng tiền án. Kinh Thành và mọi công trình kiến trúc của Hoàng Thành, Tử Cấm Thành đều xoay về hướng Nam, hướng mà trong Kinh Dịch đã ghi “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (ý nói vua quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ).
Dựa trên các nguyên tắc của thuật phong thủy, các vua nhà Nguyễn đã kết hợp các yếu tố có sẵn trong địa hình tự nhiên như sông, núi, đảo… cùng sự can thiệp đúng chỗ của bàn tay con người khi lấp một số đoạn của sông Bạch Yến, Kim Long, đồng thời đào một loạt hệ thống sông, hào ở trong và ngoài Kinh Thành để phục vụ cho ý tưởng của mình.
Tất cả những cố gắng trên không nằm ngoài ý nguyện định đô lâu dài của vương triều Nguyễn. Thật khó nhận ra sự sắp xếp gò ép trong một tổng thể hài hòa kiến trúc – thiên nhiên như thế. Không gây ấn tượng trấn áp tinh thần, cũng không có vẻ hoang sơ dã thảo, Kinh Thành Huế khiến cho người ta cảm nhận được đúng mức không khí tôn nghiêm nhưng không mất đi cảm giác êm đềm thư thái giữa thiên nhiên gần gũi.
Bên cạnh đó, phong cách kiến trúc và cách bố phòng khiến Kinh Thành Huế thực sự như một pháo đài vĩ đại và kiên cố nhất từ trước đến nay ở Việt Nam mà Le Rey, một thuyền trưởng người Pháp đã từng đến Huế năm 1819 phải thốt lên: “Kinh Thành Huế thực sự là pháo đài đẹp nhất, đăng đối nhất ở Đông Dương, thậm chí so với cả pháo đài William ở Calcutta và Saint Georges ở Madras do người Anh xây dựng”.
Nguồn: Nghiên cứu lịch sử