Không chỉ là vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn, Nam Phương còn là biểu tượng của một cốt cách lớn. Nhưng cuộc đời bà cũng nhiều thăng trầm, nước mắt.
Khi MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy lấy cảm hứng từ cuộc đời Nam Phương hoàng hậu được ra mắt, một lần nữa danh tiếng của vị “mẫu nghi thiên hạ” cuối cùng của triều Nguyễn lại được nhiều người nhắc nhớ.
Từ một nhân vật lịch sử, chính thất của vua Bảo Đại đã nhiều lần được tái hiện trong sách (mới nhất là Nam Phương – hoàng hậu cuối cùng), phim ảnh (Ngọn nến hoàng cung) và bây giờ là sản phẩm âm nhạc (Không thể cùng nhau suốt kiếp). Và lần nào, cốt cách của Nam Phương hoàng hậu dù chỉ được tái hiện phần nào cũng đủ để lại những dư âm.
Vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. |
Hoàng hậu cuối cùng
Cuối năm 2017, một cuốn sách với tựa đề rất giản dị: Nam Phương – hoàng hậu cuối cùng đã gây tiếng vang khi tái hiện đầy đủ cuộc đời của hoàng hậu Nam Phương. Ở đó, độc giả có thể hình dung về cuộc đời của bà hoàng nhà Nguyễn từ khi còn là cô con gái đất Gò Công đến khi vào ngôi chính thê thiên tử và những năm cuối đời lặng lẽ trên đất Pháp.
Theo đó, Nam Phương hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan sinh ngày 14/12/1914 tại Gò Công (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang), là con gái thứ trong một gia đình giàu có với ruộng đất rải rác khắp các tỉnh Nam Kỳ lúc bấy giờ.
Năm 12 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan được gửi sang Pháp theo học tại trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux, Paris. Đây là trường do các nữ tu dòng Đức Bà điều hành, đào tạo hết sức nghiêm ngặt.
Đến năm 18 tuổi, cô gái Gò Công tốt nghiệp tú tài toàn phần và lên tàu trở về Việt Nam. Cuốn sách cũng dẫn nhiều tài liệu khẳng định, trên chiếc tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime đưa Nguyễn Hữu Thị Lan về nước có sự hiện diện của vị vua trẻ Bảo Đại. Nhưng không rõ hai người có gặp nhau hay không.
Dù vậy, tác giả khẳng định hai người đã gặp nhau trước đó, khi còn đang du học bên Pháp. Để rồi cuộc gặp gỡ ở Đà Lạt sau này dù là cơ duyên hay sắp đặt cũng là sự tái ngộ. Hai người cùng nhau chơi quần vợt và sánh bước trong những buổi tiệc sang trọng trước khi nảy sinh tình cảm.
Hoàng gia mà đứng đầu là hoàng thái hậu Từ Cung Hoàng Thị Cúc ra sức ngăn căn cuộc hôn nhân này. Song, vua Bảo Đại vẫn cương quyết với lựa chọn của mình.
Đại hôn của hai người diễn ra ngày 20/3/1934. Năm đó Bảo Đại 21 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan vừa tròn 20. Ngay sau đó, cô gái miền Nam được sắc phong Nam Phương hoàng hậu, trở thành vị hoàng hậu duy nhất của triều Nguyễn được sắc phong ngay sau lễ cưới, và cũng là một trong hai hoàng hậu của triều Nguyễn được chính chồng sắc phong khi còn sống (người kia là Thừa Thiên Cao hoàng hậu – chính thân vua đầu triều Gia Long).
Nam Phương hoàng hậu đồng thời cũng vẫn giữ đạo Công giáo. Bảo Đại cũng cho chính thê được mặc trang phục màu vàng – vốn là màu chỉ dành riêng cho hoàng đế như một đặc quyền dành cho bà.
Trở thành hoàng hậu nước Nam là một ngã rẽ lớn trong cuộc đời Nam Phương – “hương thơm miền Nam”. Song, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Sau khi sinh hạ liên tiếp 5 người con, cùng với những biến cố lịch sử, cuộc đời bà hoàng triều Nguyễn trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm, nhất là bị vua Bảo Đại phản bội, phá bỏ cuộc hôn nhân “một vợ một chồng”.
Ngoài sách sử, những giọt nước mắt này cũng được tái hiện rất rõ trong phim Ngọn nến hoàng cung của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, ra mắt năm 2004.
Hình ảnh Nam Phương hoàng hậu trong phim Ngọn nến hoàng cung. |
Nước mắt Nam Phương
Nam Phương rất đẹp, không chỉ đẹp như một sắc hương miền Nam, mà còn đẹp cả về cốt cách thanh tao và cách ứng xử khiêm nhường. Song, Nam Phương không hẳn được lòng hoàng gia, đặc biệt là thái hậu Từ Cung – mẹ của vua Bảo Đại.
Phim Ngọn nến hoàng cung của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng đã khắc họa rất chi tiết mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu giữa đức Từ Cung thái hậu và Nam Phương hoàng hậu.
Đức Từ Cung theo đạo Phật và là một người vô cùng khuôn thước. Cả cuộc đời bà không bước chân ra khỏi Huế chỉ vì “người Huế có thể phụ người sống, không bao giờ phụ người chết”. Chuyện thờ cúng tổ tiên, hương hỏa luôn phải đặt lên vị trí quan trọng hàng đầu.
Vị thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn không thể chấp nhận một hoàng hậu đương triều không bao giờ chịu thắp hương, khấn bái tổ tiên. Cùng với lối sống và cách ứng xử có phần Tây phương, mối quan hệ giữa bà Từ Cung và Nam Phương hoàng hậu đã nhiều lần căng thẳng.
Cũng trong phim, bà Từ Cung ra sức ủng hộ Bảo Đại lập thê, lập thiếp vì cho rằng đấng thiên tử nhiều vợ là chuyện thường tình, không thể giữ “một vợ một chồng”. Ngay cả khi hoàng hậu không thích cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Tây Cung vô cùng yêu mến thứ phi Mộng Điệp, cho rằng đó là một sự bù đắp cho hoàng gia. Mộng Điệp đậm chất Á Đông, lại có những đồng điệu về tôn giáo với thái hậu nên được yêu quý hết mực.
Hoàng hậu Nam Phương có những đau khổ nhất định khi không được lòng mẹ chồng, trong khi chồng lại lăng nhăng, phá bỏ ước hẹn khi lén lún quan hệ với hết người phụ nữ đến người phụ nữ khác.
Những năm tháng ở cung An Định, Nam Phương hoàng hậu đã rơi nhiều nước mắt. Nhưng cũng trong những ngày tháng biến cố, bà hoàng vẫn hiện lên là một cốt cách đáng nể.
Phim Ngọn nến hoàng cung ra mắt năm 2004 đã khắc họa chân dung một cựu hoàng hậu vì dân vì nước. Nam Phương đã tham gia Tuần lễ Vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Bà cũng luôn khuyên cựu hoàng Bảo Đại hãy làm việc ích nước lợi dân, tin tưởng và giữ lời hứa với Chính phủ, với cụ Hồ.
Ngọn nến hoàng cung kết thúc bằng bức thư Nam Phương hoàng hậu gửi quốc trưởng Bảo Đại bày tỏ những tiếc nuối khi Bảo Đại đã phản bội lời hứa với cụ Hồ và Chính phủ năm nào, đã không hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó và đã nghe theo những lời dụ dỗ khác mà quay lưng với cách mạng.
Bà nhắc lại việc năm 1947, cụ Hồ còn cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mang mấy chục lượng vàng qua tận Hong Kong để tiếp tế cho Bảo Đại
“Em nhắc lại chuyện cũ để chỉ muốn nói rằng: Trong cuộc đời có khi ta gặp một người và người ấy sẽ làm thay-đổi hẳn cuộc đời ta mà hàng vạn người trước đó chỉ bằng không. Năm 1945 Ngài đã may mắn gặp được một người như vậy. Nhưng tiếc thay”, bức thư kết lại.
Một phần cuộc đời Nam Phương hoàng hậu được tái hiện trong MV Không thể cùng nhau suốt kiếp. |
Cốt cách “có một không hai”
Không chỉ hiện lên trong những trang sách hay phim ảnh như một biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ Việt, một cốt cách lớn, một người phụ nữ nhân hậu, thương dân, Nam Phương còn có những ứng xử “có một không hai”, ngay cả trong cách… ghen.
“Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!”, bà viết.
Đây là bức thư Nam Phương viết tay gửi cho Lý Lệ Hà, người đã sống chung với Bảo Đại ở Hong Kong sau năm 1946. Từng câu từng chữ viết ra đều thể hiện những thâm thúy, vẫn ghen mà theo cách “có một không hai”.
Không một câu mắng chửi, không một lời đe dọa nhưng bức thư vẫn thể hiện rõ thái độ của một bà hoàng trước nhân tình của chồng. Vọn vẹn 66 chữ nhưng lại đủ tinh tế để đến mãi sau này những dòng chữ của Nam Phương vẫn được coi là “lá thư đánh ghen” nổi tiếng nhất của sử Việt.
MV của Hòa Minzy cũng tái hiện về việc dù rất đau khổ vì bị chồng phản bội, Nam Phương hoàng hậu chưa một lần ra Hà Nội hay đến Đà Lạt hay sang nước ngoài để đánh ghen.
MV gây xúc động với cảnh Nam Phương hoàng hậu ngồi trong xe bật khóc nức nở khi thấy Bảo Đại đi theo một người phụ nữ khác nhưng ngay đằng sau lại là phụ nữ đang mang bầu với tay đuổi theo trong bất lực.
“Chồng chung chưa dễ ai nhường cho ai” nhưng nhìn cảnh tượng ấy, bà hoàng không khỏi xót lòng, xót dạ cho thân phận đàn bà và sự bội ước, lăng nhăng của người đàn ông.
Nguồn:Zing.vn
Cuộc đời quá phũ phàng với hoàng hậu Nam Phương
Vua Bảo Đại bất tài và đa thê